So sánh danh sách

Phú Mỹ Hưng

Tổng quan về Phú Mỹ Hưng

CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN PHÚ MỸ HƯNG (tên cũ là Công ty TNHH Liên Doanh Phú Mỹ Hưng) được thành lập ngày 19/5/1993, là liên doanh giữa Công ty TNHH Một Thành Viên Phát Triển Công Nghiệp Tân Thuận (IPC – Việt Nam, tên cũ là Công ty Phát Triển Công Nghiệp Tân Thuận) và Tập đoàn Central Trading & Development (CT&D – Đài Loan).

IPC: Đại diện cho UBND TP.HCM, góp 30% vốn qua quyền sử dụng đất và nguồn nhân lực cho sự phát triển đô thị Phú Mỹ Hưng.
CT&D: Là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn và thành công tại Việt Nam với số vốn đầu tư trên 650 triệu USD. Ngoài 70% cổ phần trong dự án phát triển đô thị Phú Mỹ Hưng, Tập đoàn CT&D còn là nhà đầu tư Khu Chế Xuất Tân Thuận, Nhà Máy Điện Hiệp Phước và Công ty Tư vấn Xây dựng Sino Pacific (SPCC).

Ba chức năng của Công ty TNHH Phát Triển Phú Mỹ Hưng:

1) Xây dựng đại lộ Nguyễn Văn Linh dài 17,8km, lộ giới 120m có 10 làn xe (6 làn xe cao tốc và 4 làn xe hỗn hợp, riêng đoạn đi ngang qua Khu A – Trung tâm đô thị Phú Mỹ Hưng – có 14 làn xe. Chính giữa đại lộ là phần đất công viên rộng 18 – 36m dự phòng để phát triển dự án metro trong tương lai).

2) Xây dựng 5 cụm đô thị hiện đại A, B, C, D, E dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh theo quy hoạch tổng thể ban đầu, nhằm thực hiện định hướng phát triển TP.HCM hướng ra biển Đông theo chủ trương của Chính phủ Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.

3) Xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng của 150ha đất công trình công cộng để bàn giao cho UBND TP.HCM quản lý, kinh doanh, xây dựng tiện ích công cộng.

Đại lộ Nguyễn Văn Linh – Tuyến đường huyết mạch
Dài 17,8km, lộ giới 120m có 10 làn xe, đại lộ Nguyễn Văn Linh được xây dựng hoàn toàn mới băng qua vùng đất đầm lầy huyện Nhà Bè (nay là Quận 7), Quận 8 và huyện Bình Chánh. Dọc tuyến đường có 10 cây cầu lớn nhỏ được xây dựng gồm: Cầu Thầy Tiêu, cầu Tư Dinh, cầu Ông Lớn, cầu Ông Bé, cầu Xóm Củi, cầu Rạch Ngang, cầu Bà Lớn, cầu Mã Vôi, cầu Sập và cầu Cần Giuộc. Trong đó, ba cây cầu Ông Lớn, Cần Giuộc và Xóm Củi có kiểu dáng đẹp với cầu vòm bêtông cốt thép được xây dựng theo công nghệ Thụy Sĩ – có khẩu độ nhịp giữa 99m và không có trụ cầu dưới sông để bảo đảm an toàn giao thông thủy.

Ngày 30/12/1996, tuyến đường được khởi công, mang trên mình một sứ vụ quan trọng, góp phần đưa cả vùng đất phía Nam TP.HCM nói riêng và các vùng kinh tế chiến lược của miền Đông Nam Bộ nói chung bước sang một trang mới. Đây là tuyến giao thông huyết mạch trung chuyển hàng hóa từ TP.HCM đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại; là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy quá trình đô thị hóa và cải tạo vùng đất nông nghiệp phèn mặn trở thành một đô thị hiện đại trong thế kỷ 21; từ đó, làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế khu Nam nói riêng và TP.HCM nói chung.

Công trình xây dựng đại lộ Nguyễn Văn Linh được chia làm 3 giai đoạn:
– Giai đoạn 1: Thông xe 2 làn vào đầu năm 1998
– Giai đoạn 2: Thông xe từ 4 – 6 làn vào năm 2003
– Giai đoạn 3: Thông xe 10 làn theo đúng thiết kế và đúng tiến độ vào ngày 30/12/2007. Nhân dịp này, Công ty TNHH Phát Triển Phú Mỹ Hưng đã vinh dự được Đảng và Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động Hạng I.

Những cây cầu nối nhịp khu Nam

Nếu có dịp nhìn đại lộ Nguyễn Văn Linh từ trên cao thì bất kỳ ai cũng cho rằng đó là “xương sống của con cá khổng lồ” với vô số những “vây cá lớn” hai bên. Từ trục chính này, hàng loạt các cầu, đường nhánh được hình thành đi vào các Quận, khu đô thị, khu công nghiệp, tạo nên mạng lưới giao thông liên hoàn: Cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Chánh Hưng, cầu Chữ Y nối Quận 5, Quận 6 với Quận 7, Quận 8; cầu Kênh Tẻ nối hai bờ Quận 4 và Quận 7; cầu Nguyễn Văn Cừ nối liền Quận 1, Quận 4, Quận 5, Quận 7 và Quận 8; cầu Tân Thuận 2 nối liền Quận 4 và Quận 7…

Đặc biệt, ngày 9/9/2009, dự án cầu Phú Mỹ vượt sông Sài Gòn đã nối liền trục giao thông vành đai phía Đông thành phố từ Quận 7, sang Quận 2 và Quận 9. Những cây cầu nối nhịp với đại lộ Nguyễn Văn Linh đã rút ngắn khoảng cách từ đô thị Phú Mỹ Hưng đến các Quận trong thời gian khoảng 10~15 phút đi xe; đồng thời còn tạo nên sự thông thương xuyên suốt các tỉnh miền Đông với miền Tây Nam Bộ.

Đô thị Phú Mỹ Hưng – Quy hoạch để phát triển bền vững

TP.HCM – Một thành phố năng động nhất Việt Nam, với thế giới là một đô thị lớn và tiềm năng. Xu thế phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, vai trò của TP.HCM là một thành phố đa cực, đa trung tâm và đa chức năng về công nghiệp dịch vụ, văn hóa, khoa học kỹ thuật, công nghệ cao… Nhu cầu tất yếu và quy luật “lượng” và “chất”, đã đặt ra những định hướng phát triển mới cho Thành phố cần được mở rộng theo nhiều nghĩa: Mở rộng giới hạn địa hình cũng như tính chất, quy mô của các loại hình kinh tế.
Sự hình thành đô thị Phú Mỹ Hưng chính là đáp án đúng cho xu thế phát triển đó. Đây là bước đầu trong chương trình mở rộng TP.HCM về hướng Nam, tiến ra Biển Đông theo xu hướng các đô thị lớn trên thế giới. Phát triển đô thị Phú Mỹ Hưng cũng là một yếu tố quan trọng trong kế hoạch phát triển toàn diện Khu Tam Giác Kinh Tế trọng điểm Miền Nam gồm TP.HCM – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu, để hình thành một trung tâm đô thị có đầy đủ chức năng về tài chính quốc tế, thương mại, cư trú, văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật cao, cảng biển và du lịch ở Việt Nam.
Từ một vùng đất đầm lầy, chua mặn, không có giá trị cao về mặt kinh tế, vùng đất phía Nam TP.HCM sau bao năm ngủ yên trong nỗi cơ cực, nhọc nhằn nay đã thay da đổi thịt. Sức sống của Nhà Bè xưa đã khởi sắc, sự đói nghèo lùi dần nhường bước cho một cuộc sống sung túc. Và chính sự thành hình của đô thị Phú Mỹ Hưng là một nhân tố quan trọng tạo nên sự thay đổi ngoạn mục đó.
“Trên vùng đất chua mặn mà từ xưa đến nay chưa được khai phá, có một tốp người đã bỏ tâm lực suốt 15 năm để tạo dựng nên khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng và trên cơ sở nhiều dự án đã hình thành quy mô của ngày hôm nay, vẫn có một tốp người khác đang tiếp tục cố gắng cho một phương hướng lớn hơn là phát triển thành phố hướng ra biển đông” (Trích dẫn phát biểu của Ông Lawrence S. Ting – Cố Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TNHH Phát Triển Phú Mỹ Hưng).

Đô thị Phú Mỹ Hưng – Quy hoạch đồng bộ và hoàn chỉnh chức năng

Trên diện tích 2.600ha tọa lạc song song với TP.HCM về phía Nam, Công ty TNHH Phát Triển Phú Mỹ Hưng được phép khai thác và phát triển 5 cụm đô thị, tạo thành một trung tâm thương mại, tài chính quốc tế hấp dẫn tại khu vực Đông Nam Á:
– Khu A (409ha)
– Trung tâm đô thị mới
– Khu B (95ha)
– Khu Làng Đại học
– Khu C (46ha)
– Khu Trung tâm Kỹ thuật cao
– Khu D (85ha)
– Trung tâm Lưu thông Hàng hóa II
– Khu E (115ha)
– Trung tâm Lưu thông Hàng hóa I
Tháng 7/1993, Công ty TNHH Phát Triển Phú Mỹ Hưng tổ chức cuộc thi thiết kế đô thị quốc tế cho công trình đô thị. Những tên tuổi làm nên quy hoạch tổng thể đô thị gồm:
– Skidmore, Owings & Merrill (Mỹ)
– Koetter Kim & Associates (Mỹ)
– Kenzo Tange & Associates (Nhật)
Ngày 8/12/1994, quy hoạch tổng thể đô thị Phú Mỹ Hưng được Thủ tướng phê duyệt.
Ngày 3/3/1995, Chính phủ chính thức chấp thuận việc thành lập Ban quản lý khu Nam với cơ chế đầu tư một cửa cho đô thị Phú Mỹ Hưng.
Quyết định 749/TTg ngày 8/12/1994 của Chính Phủ Việt Nam, mở ra hướng phát triển toàn diện cho đô thị mới ở phía nam TP.HCM.
“Đô Thị Mới phát triển song hành với thành phố hiện có, là một bộ phận cấu thành của TP.HCM. Khu này sử dụng hỗn hợp đa chức năng: Là một Trung Tâm Tài Chính, Thương Mại, Dịch Vụ, Công Nghiệp, Khoa Học, Văn Hóa, Giáo Dục, Cư Trú, Giải Trí… hỗ trợ cho sự phát triển nội thành hiện nay và là động lực cho sự phát triển phía Nam và Đông Nam TP”. (Trích QĐ 749/TTg ngày 8/12/1994)

Quy hoạch đạt giải thưởng quốc tế

Một đô thị hiện đại được quy hoạch bài bản, khoa học, đồng bộ, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, phát triển bền vững trong cơ cấu bảo vệ môi trường là những nét đặc sắc trong quy hoạch tổng thể đô thị Phú Mỹ Hưng.

Dựa trên thế mạnh đặc trưng của vùng sông nước phương Nam, có dòng sông cảnh quan bao quanh, đón các hướng gió lành từ rừng phòng hộ Cần Giờ, biển Đông…; ngay từ đầu, quy hoạch tổng thể đã nhấn mạnh khai thác tối đa thế mạnh thiên nhiên trên cơ sở tôn tạo và phát huy lợi thế địa hình sẵn có, tạo một đô thị hiện đại chan hòa với thiên nhiên.

Những mảnh xanh hiện hữu được tái tạo thành công viên, khu bảo tồn, sân golf, khu giải trí xen kẽ giữa các khu dân cư; dòng sông cảnh quan được quy hoạch từ hệ thống kênh rạch để tạo các thủy lộ xuyên suốt và liên kết với cảnh quan thiên nhiên tạo nên sự ấn tượng,đặc sắc.

Chính những yếu tố nổi bật đã mang về 2 giải thưởng danh dự của Mỹ cho quy hoạch xuất sắc:

    • Giải thưởng Danh dự của Viện Kiến trúc Mỹ (1997). Đây cũng là lần đầu tiên một đô thị ở Châu Á đã đoạt những giải thưởng danh dự về quy hoạch xuất sắc.
    • Giải thưởng kiến trúc đô thị lần thứ 42 của tạp chí Kiến Trúc Tiến bộ Mỹ tổ chức hàng năm (1995)

Ban giám khảo nhận xét: “Dự án này gắn liền với lịch sử Thành phố, cùng với hình dáng đô thị được quy hoạch, phát triển theo lịch sử hình thành của Thành phố. Đô thị Phú Mỹ Hưng là một điển hình cho những công trình phát triển đô thị tầm cỡ đang được triển khai ở những khu vực khác như tại Châu Á và Đông Nam Á vì đô thị Phú Mỹ Hưng phát triển hài hòa với nét văn hóa, vị trí và truyền thống đô thị địa phương.”

Sau 18 năm triển khai xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị, cụm đô thị đầu tiên: “Khu A – Trung tâm đô thị Phú Mỹ Hưng” đã được hình thành với những nét độc đáo, kiến trúc hiện đại và hài hòa trên nền tảng hạ tầng kỹ thuật và xã hội hoàn chỉnh, kế thừa bản sắc truyền thống địa phương, tạo thêm diện mạo mới cho TP.HCM. Dưới sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền, sự nỗ lực xây dựng, phục vụ của Công ty TNHH Phát Triển Phú Mỹ Hưng và sự hợp tác chung vai góp sức của cư dân, một đô thị văn minh với cộng đồng nhân văn đang đi dần vào nếp sống văn hóa mới.

Ngày 26/6/2008, Bộ Trưởng Bộ Xây Dựng Nguyễn Hồng Quân và Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã trao Quyết định 860/QĐ-BXD cho Công ty TNHH Phát Triển Phú Mỹ Hưng công nhận đô thị Phú Mỹ Hưng là Khu đô thị kiểu mẫu của Việt Nam.

Trung tâm đô thị Phú Mỹ Hưng rộng 409ha được xem là trái tim của toàn đô thị, được quy hoạch đầy đủ chức năng của một trung tâm đô thị hiện đại như: Thương mại, tài chính, cư trú, văn hóa, giáo dục, giải trí, giao thông vận tải…

Trung tâm đô thị Phú Mỹ Hưng bao gồm 8 khu chức năng:

– Khu Thương Mại Tài Chính Quốc Tế (Khu C – The International Financial & Commercial District)

– Khu The Crescent (Khu CR – The Crescent District)

– Khu Kênh Đào (Khu CN – The Canal District)

– Khu Y Tế Điều Dưỡng (Khu MD – The Medical Campus District)

– Khu Cảnh Đồi (Khu H – The Hillview District)

– Khu Nam Viên (Khu S – The Southside District)

– Khu Văn Hóa Giải Trí (Khu R – The Recreational and Cultural District)

– Khu Midtown (Khu M – The Midtown District)

Mỗi đặc thù kiến trúc, chức năng của từng khu sẽ tạo tổng thể một trung tâm đô thị hiện đại. Trong đó, Khu Thương Mại Tài Chính Quốc Tế được xem là trái tim của toàn đô thị Phú Mỹ Hưng. Đây là khu phức hợp sầm uất và năng động với các cao ốc văn phòng sử dụng hỗn hợp đa chức năng về thương mại, tài chính, hội chợ, triển lãm, hội nghị quốc tế, giải trí, du lịch, dịch vụ, khu đô chính, giao dịch chứng khoán, khách sạn quốc tế, các tiện nghi phục vụ đời sống chất lượng cao…

Tại Khu Thương Mại Tài Chính Quốc Tế đang có khoảng 20 cao ốc đi vào hoạt động với nhiều tên tuổi lớn trên thế giới, các tập đoàn đa quốc gia đã đến đặt văn phòng, mở trụ sở như: Unilever, Manulife, Toyota, BMW, Porsche… Sự xuất hiện của những tên tuổi lớn này đã và đang tạo một lực đẩy cộng hưởng kích thích môi trường đầu tư, kinh doanh, thương mại năng động không chỉ cho đô thị Phú Mỹ Hưng mà cả khu vực phía Nam TP.HCM.

Đại lộ Nguyễn Văn Linh và đô thị Phú Mỹ Hưng đã làm sáng lên những vấn đề cơ bản của đô thị hoá, là điểm nhấn cho tiến trình thay đổi bản chất kinh tế, bộ mặt an sinh xã hội cho khu vực Nam TP.HCM, thay đổi vùng đất hoang sơ trở thành đô thị văn minh của TP.HCM, hỗ trợ giải tỏa áp lực dân số – hạ tầng ở trung tâm hiện hữu; là nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình đô thị hóa và kết quả tất yếu của quá trình đô thị hóa một cách khoa học này đã sáng tạo giá trị cho cả vùng đất và có sức lan tỏa đến các khu vực lân cận làm nên sự gia tăng giá trị bất động sản trên một vùng rộng lớn, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế toàn khu Nam.

Những thành tựu này cũng chính là chất xúc tác, chất keo kết dính trong việc xác định hạ tầng và quy mô đô thị hoá cho thành phố tiến ra biển Đông với tầm nhìn từ thế kỷ 21. Từ đó, sẽ hình thành một trung tâm đô thị có đầy đủ chức năng về tài chính, thương mại, dịch vụ, du lịch, cư trú, văn hóa, giáo dục, khoa học, du lịch; góp phần quan trọng thay đổi diện mạo TP.HCM sau 36 năm thống nhất và là bước tiến vững mạnh trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới.

Những sự kiện trong quá trình phát triển đô thị Phú Mỹ Hưng

Con đường phát triển còn dài, nhiều thế hệ tiếp nối sẽ cùng chung vai góp sức trong hành trình đưa thành phố hướng ra biển Đông. Qua 20 năm phát triển, đô thị Phú Mỹ Hưng có nhiều thời khắc quan trọng, đánh dấu sự thay đổi của vùng đất phía Nam TP.HCM. Tất cả đều khắc ghi sự vươn mình của đô thị trong tiến trình xây dựng một đô thị văn minh, cộng đồng nhân văn.

Lược trích một số mốc thời gian:

5/1993 Công ty Phú Mỹ Hưng được cấp Giấy Phép Đầu Tư xây dựng đô thị mới.

7/1993 Công ty Phú Mỹ Hưng tổ chức cuộc thi Quốc tế thiết kế quy hoạch Đô thị mới. Công ty Mỹ Skidmore, Owings & Merrill được chọn làm nhà quy hoạch tổng thể. Ngoài ra, còn có sự góp sức và tư vấn kỹ thuật của hai công ty: Koetter Kim & Associates (Boston – Mỹ) và Kenzo Tange & Associate (Tokyo – Nhật Bản).

9/1994 Quy hoạch tổng thể Đô Thị Mới được thuyết trình cho Viện Kiến Trúc Mỹ và Ngân Hàng Thế Giới như là một dự án tiêu biểu về tính “Phát triển bền vững.

12/1994 Quy hoạch tổng thể Đô Thị Mới được Thủ Tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt.

1/1995 Quy hoạch tổng thể Đô Thị Mới đoạt Giải thưởng kiến trúc đô thị lần thứ 42 của tạp chí Kiến Trúc Tiến Bộ Mỹ tổ chức hàng năm.

3/1995 Thủ Tướng ký Quyết định thành lập Ban Quản Lý Khu Nam TP.HCM với cơ chế giấy tờ Một Cửa.

9/1995 Cuộc thi Kiến Trúc Sư Trẻ về Nam Sài Gòn.

7/1996 Từ vùng đầm lầy, Công ty Phú Mỹ Hưng bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị Phú Mỹ Hưng.

12/1996 Lễ Khởi Công xây dựng đại lộ Nguyễn Văn Linh Giai đoạn I, với sự tham dự của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt.

4/1997 Trường Dân Lập Nam Sài Gòn được cấp giấy phép thành lập Trường Nhật Bản tại TP.HCM được cấp giấy phép, bắt đầu giảng dạy trên khu vực của Trường Dân Lập Nam Sài Gòn.

5/1997 Quy hoạch tổng thể Đô Thị Mới đoạt Giải thưởng Danh dự của Viện Kiến trúc Mỹ. Lần đầu tiên một đô thị ở Châu Á đoạt được giải thưởng danh dự.

8/1997 Trường Quốc Tế Nam Sài Gòn bắt đầu hoạt động với các lớp từ mẫu giáo đến lớp 5.

9/1997 Ban Quản Lý Khu Nam được thành lập với thủ tục giấy tờ một cửa cho các nhà đầu tư vào Đô Thị Mới.

12/1997 Southern Cross – Dự án đầu tư 100% vốn nước ngoài đầu tiên được cấp phép trong đô thị mới Phú Mỹ Hưng

12/1997 Ký kết bản thỏa thuận thành lập, xây dựng Trường Hàn Quốc trong Đô Thị Mới.

12/1997 Thủ Tướng Phan Văn Khải tặng Bằng khen cho Công ty Phú Mỹ Hưng về thành tích xây dựng thành công đại lộ Nguyễn Văn Linh, góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội của TP.HCM và của cả nước.

12/1997 Lễ Thông Xe Kỹ Thuật đại lộ Nguyễn Văn Linh giai đoạn I.

1/1998 Báo Thanh Niên đăng bài trang nhất: “TP.HCM chuyển hướng phát triển về phía Nam theo ý kiến của Bộ Xây Dựng về điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM”.

2/1998 Thủ Tướng Phan Văn Khải và Lãnh đạo thành phố đến thăm, làm việc với Công ty Phú Mỹ Hưng và khảo sát đại lộ Nguyễn Văn Linh.

2/1998 Lễ Thông Xe Chính Thức đại lộ Nguyễn Văn Linh Giai đoạn I (2 làn xe).

5/2001 Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đến thăm và làm việc với Công ty Phú Mỹ Hưng

5/2002 Khởi công mở rộng đại lộ Nguyễn Văn Linh Giai đoạn II (Mở rộng 4 – 6 làn xe).

5/2002 Phó chủ tịch Nước CHXHCN VN Nguyễn Thị Bình đến thăm và làm việc với Công ty Phú Mỹ Hưng.

8/2002 Công ty Phú Mỹ Hưng chính thức giao tặng Trường Dân Lập Nam Sài Gòn do Công ty Phú Mỹ Hưng xây dựng cho Sở Giáo Dục Đào Tạo TP.HCM. Tên trường được đổi thành Trường Bán Công Chất Lượng Cao Nam Sài Gòn.

10/2003 UBND TP.HCM tặng cờ truyền thống, bằng khen và huy hiệu TP.HCM cho các cá nhân và tập thể Công ty Phú Mỹ Hưng.

12/2003 Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Công ty Phú Mỹ Hưng.

12/2003 Lễ thông xe đại lộ Nguyễn Văn Linh giai đoạn II (4 – 6 làn xe).

4/2004 Lễ khởi công mở rộng đại lộ Nguyễn Văn Linh giai đoạn III. Giai đoạn hoàn tất tuyến đường có lộ giới rộng 120m, 10 làn xe (6 làn cao tốc, 4 làn hỗn hợp) theo đúng quy hoạch được Chính Phủ phê duyệt.

1/2006 Chương trình Đi bộ Từ thiện Lawrence S. Ting lần I-2006 được tổ chức tại đô thị Phú Mỹ Hưng để tưởng nhớ đến vị cố Chủ tịch HĐQT Lawrence S. Ting.

3/2006 Thành lập Quỹ hỗ trợ cộng đồng Lawrence S. Ting.

3/2007 Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đến thăm và làm việc với Công ty Phú Mỹ Hưng cùng Quỹ cộng đồng Lawrence S. Ting.

9/2007 Phú Mỹ Hưng tài trợ cho Hội nghị Biểu dương Gia đình VH tiêu biểu xuất sắc toàn quốc lần 1/2007 lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội.

10/2007 Phú Mỹ Hưng nhận Giải thưởng “Sao Vàng Đất Việt” do Hội Doanh Nghiệp Trẻ Việt Nam, Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam, Bộ Công thương trao tặng.

10/2007 Công ty Phú Mỹ Hưng nhận giải Doanh Nghiệp Sài Gòn tiêu biểu năm 2007 – 1 trong 10 doanh nghiệp tiêu biểu nhất của TPHCM do UBND TP.HCM trao tặng. Bà Ba Dah Wen, Tổng Giám đốc Công ty Phú Mỹ Hưng đuợc trao danh hiệu “Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu” năm 2007.

12/2007 Lễ hoàn thành công trình đại lộ Nguyễn Văn Linh. Ông Lawrence S. Ting và Ông Tsien Peng Lun được Chủ tịch nuớc CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết truy tặng Huân Chương Hữu Nghị; Công ty Phú Mỹ Hưng nhận Huân Chương Lao Động Hạng Nhất cho công trình đại lộ Nguyễn Văn Linh; Bà Ba Dah Wen, Tổng Giám Đốc Công ty Phú Mỹ Hưng nhận Huân Chương Lao Động Hạng Ba.

1/2008 Công ty Phú Mỹ Hưng nhận giải một trong 10 Doanh nghiệp lớn nhất do Bộ Ngoại Giao trao tặng.

4/2008 Chứng nhận Công trình kiến trúc tiêu biểu trong thời kỳ đổi mới do Hội kiến trúc sư Việt Nam trao tặng.

5/2008 Kỷ niệm tròn 15 năm thành lập Công ty Phú Mỹ Hưng.

6/2008 Trường Đinh Thiên Lý (Lawrence S. Ting) được cấp giấy phép thành lập

6/2008 Đô thị Phú Mỹ Hưng được công nhận là Khu Đô Thị Kiểu Mẫu theo QĐ số 860/QĐ-BXD do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân ký ngày 19/6/2008. Quyết định có giá trị trong 5 năm.

9/2008 Lễ khai giảng năm học đầu tiên tại trường Đinh Thiện Lý

4/2009 Công ty Phú Mỹ Hưng nhận Giải thưởng Sao Khuê 2009 – Danh hiệu: “Đơn vị xuất sắc triển khai phần mềm và CNTT”

4/2010 Khánh thành Cầu Ánh Sao, nối liền Khu Thương Mại Tài Chính Quốc Tế với Khu The Crescent

1/2012 Công ty Phú Mỹ Hưng khai trương Trung Tâm Mua Sắm Crescent Mall

10/2012 Đô thị Phú Mỹ Hưng được Viện đô thị Mỹ (Urban Land Institute) trao Giải thưởng toàn cầu dành cho công trình xuất sắc

3/2013 Công ty TNHH Liên Doanh Phú Mỹ Hưng đổi tên thành Công ty TNHH Phát Triển Phú Mỹ Hưng (Phu My Hung Development Corporation)

5/2013 Kỷ niệm 20 năm thành lập Công ty TNHH Phát Triển Phú Mỹ Hưng (19/5/1993 – 19/5/2013) và đón nhận Huân Chương Lao động hạng Nhất cho công trình khu đô thị Phú Mỹ Hưng

6/2013 Cầu Ánh Sao tại TP.HCM, Việt Nam vừa được trao nhận giải thưởngArthur G. Hayden Medal của Hiệp hội cầu đường Quốc tế (International Bridge Conference). Giải thưởng này ghi nhận sự vượt trội, đột phá trong kiến trúc và chức năng của cầu Ánh Sao

27/3/2014 Crescent Mall được Sở Văn Hóa, Thể Thao & Du Lịch trao tặng danh hiệu là một trong 5 trung tâm thương mại hàng đầu của TP.HCM năm 2013 tại Lễ Tôn vinh Thương hiệu Du lịch TP.HCM 2014

img

Phạm Thị Thủy Tiên

38 (R4-67) Đường Nội Khu Hưng Phước 1, P. Tân Phong, Q. 7, Tp HCM

Bài viết liên quan

Cập nhật giỏ hàng trong khu vực Phú Mỹ Hưng

🔥CẦN BÁN BĐS PMH Q7 ✅Nhà phố Hưng Phước đường lớn, giá giá 32tỷ, dt...

Tiếp tục đọc
Phạm Thị Thủy Tiên
by Phạm Thị Thủy Tiên

Hành trình phát triển Khu đô thị Phú Mỹ Hung

Đô thị Phú Mỹ Hưng phát triển là bước đầu của chương trình mở rộng TP.HCM về hướng Nam, tiến ra biển theo xu hướng các đô thị lớn trên thế giới, việc phát triển đô thị PMH sẽ là một yếu tố quan trọng trong kế hoạch phát triển toàn diện khu tam giác kinh tế trọng điểm miền Nam gồm TP.HCM – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu.

Tiếp tục đọc
Phạm Thị Thủy Tiên
by Phạm Thị Thủy Tiên

Phú Mỹ Hưng – Hành Trình Khát Vọng

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng thuộc Quận 7, toạ lạc ở phía Nam TP. HCM. Từng là một khu đầm lầy hoang vu, đô Thị Phú Mỹ Hưng đã chuyển mình trở thành một khu đô thị kiểu mẩu bậc nhất Việt Nam, là nơi tập trung sinh sống của những người có thu nhập cao, tri thức, là một trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, khoa học, văn hóa, giáo dục, cư trú, giải trí.

Tiếp tục đọc
Phạm Thị Thủy Tiên
by Phạm Thị Thủy Tiên

Join The Discussion